“Tiền cụ hồ”- đồng tiền đi liền lịch sử
Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam mới đã từng được dân ta gọi nôm na là “tiền Cụ Hồ”. Những tờ tiền đầu tiên từ thuở lập quốc gắn liền với hành trình lịch sử của cả một dân tộc cho đến ngày nay.
“Tiền Cụ Hồ”
“Tiền Cụ Hồ” là tên gọi bắt nguồn từ tình cảm của người dân dành cho vị Chủ tịch nước đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – cụ Hồ Chí Minh.
Gương mặt vị lãnh tụ dân tộc gầy gò khắc khổ với ánh mắt kiên cường được vẽ và in ngay trên những tờ tiền đầu tiên đại diện cho sự độc lập dân tộc. Đặc biệt dùng để phân biệt với các loại tiền khác đã từng lưu hành tại Việt Nam có cùng tên gọi là “đồng”.
Điểm nổi bật khác khiến giấy bạc Cụ Hồ có giá, đó là dù phát hành trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng vẫn có độ tinh xảo cao, khuôn mẫu hoàn chỉnh.
Mặt chính của những đồng tiền này in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trang trọng. Cũng bởi có in hình Bác Hồ và do Chính phủ Cụ Hồ phát hành nên nhân dân quen gọi là giấy bạc Cụ Hồ, tiền Cụ Hồ hay tiền giấy rơm Cụ Hồ.
Mặt khác in hình Nông – Công – Binh. Các loại giấy bạc đều có số Ả Rập, chữ quốc ngữ, chữ Hán, Lào, Khme chỉ mệnh giá, có ký tên Bộ trưởng Bộ Tài chính (Phạm Văn Đồng hoặc Lê Văn Hiến) và Giám đốc Ngân khố trung ương.
Thú vị nhất một vài loại tiền có dòng cảnh báo “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của Chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp”. Ở thời ấy, “quân pháp như sơn”.
Trong giới sưu tầm tiền cổ, hiện mỗi tờ giấy bạc Cụ Hồ có giá dao động từ 400 – 500 USD. Những tờ tiền hiếm, trị giá tới vài ngàn đô la Mỹ.
“Tiền cụ hồ”- đồng tiền đi liền lịch sử lập quốc
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 31 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nghị định phát hành tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và ngày 31 tháng 11 năm 1946, giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Vì được làm khá thủ công nên đồng tiền lúc này mang dấu ấn cá nhân của những hoạ sĩ như: Nguyễn Đỗ Cung, Lương Văn Tuất, Đào Văn Trung, Nguyễn Huyến v.v.. Bởi vậy, có thể nói, mỗi đồng tiền như một tác phẩm hội hoạ được tỉ mẩn vẽ ra. Ngay sau đó, nhân dân ta thực hiện cuộc đấu tranh tiền tệ, làm cho tiền Cụ Hồ độc chiếm thị trường, thu hồi tiền Đông Dương để đưa vào vùng tạm chiếm mua nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến và dân sinh.
Từ năm 1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập, phát hành loại tiền mới gọi là giấy bạc Ngân hàng. Mặt chính in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt sau có hình công nông binh, hình bộ đội ở chiến trường như thể Bác đang động viên các lực lượng này thi đua sản xuất và chiến đấu v.v..
Trong thời điểm đó, chính quyền trung ương cho phép Trung Bộ và Nam Bộ phát hành tiền riêng để phục vụ yêu cầu kháng chiến và dân sinh. Tiền này có mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng. Hình ảnh trang trí cũng tương tự chỉ khác chữ ký. Riêng tờ 10 đồng màu xanh và 100 đồng màu nâu in hình Bác với khuôn mặt hơi gầy nhưng ánh mắt sáng ngời. Các hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm, Lê Thiên, Lê Ba v.v.. đã vẽ những mẫu tiền này với tính mỹ thuật cao.
Các loại giấy bạc phát hành riêng đều có ảnh Bác. Vì kinh tế khó khăn, lượng tiền khan hiếm nên có những tờ bạc dù bị rách nát nhưng vẫn được dán lại để tiêu. Nhiều khi người dân đã xé đôi tờ bạc ra để trao đổi và nửa đồng tiền có hình Bác bao giờ cũng có giá trị hơn, phần còn lại. Dân chúng vẫn quý đồng tiền cụ hồ đến mức “Còn cái râu Cụ Hồ là còn tiêu”.
Lúc đó, để qua mặt người Pháp người dân phải cất giấu rất kỹ tiền Cụ Hồ, coi đó như bảo bối. Sau này, “tiền Cụ Hồ” không còn là bảo bối nữa mà đã trở thành một loại đồ cổ khan hiếm, đặc biệt ít ai có được những đồng kim loại.
Thời điểm 1959 trở đi có thêm một đồng tiền mà nhân dân quen gọi là “10 đồng Cụ Mượt”. Lý do là lần đầu tiên in hình Bác Hồ chụp nghiêng, tóc mượt. 10 đồng lúc đó cũng là đồng tiền có mệnh giá cao nhất. Đồng tiền này lưu hành đến tận năm 1976 mới đổi.
Năm 1976 có một đợt đổi tiền, nhiều mẫu tiền mới ra đời, tất cả đều in hình Bác Hồ. Đáng chú ý nhất là đồng tiền mệnh giá 20 đồng lần thứ hai in chân dung Bác Hồ dạng nghiêng.
Đến tận ngày nay, chúng ta vẫn còn dùng “tiền cụ hồ” để lưu thông. Nó được trả về đúng cái tên Việt Nam Đồng chỉ bởi nay chỉ còn duy nhất đồng tiền có in hình cụ hồ mới là tờ tiền có giá trị lưu hành của nhân dân Việt Nam.
Đến tận ngày nay, chúng ta vẫn còn dùng “tiền cụ hồ” để lưu thông. Nó được trả về đúng cái tên Việt Nam Đồng chỉ bởi nay chỉ còn duy nhất đồng tiền có in hình cụ hồ mới là tờ tiền có giá trị lưu hành của nhân dân Việt Nam.
Tiền Cụ Hồ đã đi một hành trình dài lịch sử đất nước, nếm những đắng cay ngọt bùi của dân tộc từ thuở mới lập quốc – một giá trị mà không gì đánh đổi được.
ConversionConversion EmoticonEmoticon